Thông báo:
Từ 1 đến 31/12 Share123.vn giảm giá các template blogspot còn 100k
Home » » Đồng Tháp sáp nhập TTGDTX và trường nghề

Đồng Tháp sáp nhập TTGDTX và trường nghề

(GD&TĐ) - UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt đề án thành lập Trung tâm (TT) Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên (GDTX) và Trường Trung cấp nghề - GDTX cấp huyện thuộc tỉnh, trên cơ sở hợp nhất TT dạy nghề với TTGDTX và trường Trung cấp nghề với TTGDTX cấp huyện.

Khắc phục đầu tư dàn trải, lãng phí

Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 12 TTGDTX; 1 trường CĐ nghề Đồng Tháp; 3 trường Trung cấp nghề và 8 Trung tâm dạy nghề.

Như vậy, ở từng huyện, thị xã, thành phố đều tồn tại song song 2 loại hình Trung tâm, Trường là: TTGDTX; TT dạy nghề và Trường Trung cấp nghề.

Tỉnh Đồng Tháp cho biết đã khảo sát thực tế tại các huyện, thị xã, thành phố và các TT; trường Trung cấp nghề cho thấy bọc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dàn trãi, gây tốn kém, lãng phí, không tận dụng được cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ yêu cầu đào tạo.

Mặt khác, đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý và giáo viên bố trí chưa hợp lí, có nơi thừa, nơi thiếu, phân tán nguồn lực. Hầu hết các TTGDTX có đội ngũ cán bộ, nhân viên đảm bảo đủ yêu cầu đào tạo, trong khi đó các TTdạy nghề, Trường trung cấp nghề chưa đảm bảo đủ biên chế được UBND tỉnh giao. Nhân lực của TT dạy nghề, Trường trung cấp nghề chủ yếu là cán bộ quản lý và nhân viên, còn giáo viên thì không có hoặc có rất ít, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo.

Mặt bằng các TTGDTX cơ bản không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Mức độ đầu tư trang bị thiết bị dạy học giữa Trung tâm, Trường cũng rất khác nhau. TTGDTX được trang bị rất khiêm tốn, không đáp ứng yêu cầu hoạt động. TT dạy nghề; Trường trung cấp nghề được trang bị khá đầy đủ nhưng chưa khai thác hết công năng hoặc không phù hợp với các ngành nghề đang đào tạo nên có tình trạng cho các cơ quan, đơn vị khác tạm mượn làm việc hoặc cho các doanh nghiệp thuê mướn mặt bằng để sản xuất gia công.

Bên cạnh đó, chức năng, nhiệm vụ cơ bản của TT, Trường là GD&ĐT, bồi dưỡng nhân lực có kiến thức, trình độ kỹ thuật tham gia sản xuất, hoạt động dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương; cả hai trung tâm cùng có chức năng liên kết đào tạo, nên hoạt động trên cùng địa bàn sẽ “chồng chéo” nhau, dễ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến công tác GD&ĐT ở địa phương.

Tạo điều kiện HS THCS kết hợp học văn hóa, học nghề

Do đó, việc thành lập TT Dạy nghề - GDTX và Trường Trung cấp nghề - GDTX trên cơ sở hợp nhất TT dạy nghề và TTGDTX; Trường trung cấp nghề và TTGDTX  là vấn đề cấp bách và cần thiết với chức năng vừa thực hiện nhiệm vụ GDTX, vừa thực hiện nhiệm vụ dạy nghề do nhà nước.

Sau khi thành lập, sẽ bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ dạy bổ trợ văn hoá cho nghề đào tạo, được liên kết đào tạo TCCN theo quy định. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các học sinh tốt nghiệp sau THCS không đủ điều kiện vào học các Trường THPT vừa học GDTX vừa học TCCN, trung cấp nghề theo quy định. Tăng cơ hội học văn hóa, học nghề của người lao động tại địa phương, từng bước thực hiện phổ cập THCS, THPT và phổ cập nghề...

Khi Trung tâm, Trường sáp nhập và đi vào hoạt động ổn định, dự kiến mỗi năm sẽ tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho khoảng 1.000 lao động có nhu cầu học nghề tại địa phương và có trên 2.500 học viên theo học GDTX cấp THCS; THPT hàng năm.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế của địa phương tham gia ký kết hợp đồng đào tạo nghề, tuyển chọn lao động tại địa phương có tay nghề phù hợp với điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đồng thời tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có thể tự mở ra các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại địa phương.

Việc thành lập Trung tâm, Trường được thực hiện đồng loạt bắt đầu từ đầu năm 2014. Với những địa phương không có Trung tâm Dạy nghề tạm vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động của TTGDTX - kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh. Riêng TTGDTX thành phố Sa Đéc bổ sung thêm chức năng Hướng nghiệp - Dạy nghề phổ thông.

Không có nhận xét nào:

0 nhận xét: